Xuất siêu đạt 1,3 tỉ USD ngay từ tháng đầu tiên của năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã tạo đà cho tăng trưởng.

Xuất khẩu đạt 27,7 tỉ USD, 6 mặt hàng trên 1 tỉ USD “bứt tốc”

Trao đổi với PV Lao Động chiều 2.2.2021, ông Trần Thanh Hải – Phó cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 1.2021 ước tính đạt 53,9 tỉ USD, tăng 45,2% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt trên 27 tỉ USD, tăng 46,7%; nhập khẩu hàng hóa đạt 26,9 tỉ USD, tăng 43,7%.

“Con số xuất siêu chỉ 100 triệu USD, nhưng kết quả trên có thể nói là rất tích cực. Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 1.2021 có thể nói là cao nhất trong những năm gần đây. Thông thường quý I, tháng 1 kim ngạch xuất nhập khẩu giảm so với những tháng cuối năm, nhưng năm nay chúng ta vẫn duy trì kết quả xuất nhập khẩu và tăng trưởng như vậy là hết sức ấn tượng” – ông Trần Thanh Hải nói.

Trong tháng 1.2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 2,03 tỉ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 7,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong nhóm này, ngoại trừ rau quả, càphê và gạo có kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm trước, các mặt hàng khác đều có kim ngạch tăng so với cùng kỳ năm trước: Thủy sản tăng 19,6%; caosu tăng 142,2%; hạt điều tăng 51,7%; hồ tiêu tăng 42,4%…

“Đây là con số tăng trưởng rất lạc quan, tạo điểm tựa để xuất khẩu nông sản có thêm đà bứt tốc trong các tháng tiếp theo” – TS Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) nhận định.

Triển khai tốt các hiệp định thương mại (FTA)

Theo Ngân hàng Thế giới, sau khi suy giảm 4,3% trong năm 2020, nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng 4% trong năm 2021, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với mức dự báo trước đó.

Bộ Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) nhận định: Dự báo dịch bệnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế trong cả ngắn và dài hạn. “Rủi ro còn đến từ biến động chính trị, căng thẳng thương mại và tình hình nợ công trên thế giới, đòi hỏi Việt Nam cần chủ động có những giải pháp quyết liệt để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đề ra” – Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng nêu ý kiến.
Phân tích của các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, bên cạnh sự vượt trội về xuất khẩu tạo ra con số xuất siêu 1,3 tỉ USD ngay trong tháng đầu tiên của năm, còn có nguyên nhân do tổng cầu ở trong nước bị co lại trong thời gian khá dài chưa được phục hồi, làm cho tăng trưởng nhập khẩu bị chậm lại. Điều này cần được quan tâm để đẩy mạnh tổng cầu trong nước để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ông Trần Thanh Hải (Bộ Công Thương) cũng lưu ý: Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng chúng ta không thể chủ quan khi dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới và ở Việt Nam.

“Dịch bệnh đang xuất hiện trở lại những ca nhiễm trong cộng đồng ở Việt Nam. Một mặt, chúng ta tiếp tục khai thác tốt các lợi ích đem lại từ những FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, mặt khác chúng ta cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt là những dự án lớn, hàm lượng công nghệ cao để có đà duy trì tăng trưởng và nâng cao giá trị xuất khẩu trong thời gian tới” – ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Theo Vũ Long laodong.vn

  • THÔNG TIN LIÊN HỆ

    VĂN PHÒNG CHÍNH

    77 Đào Duy Anh, Phường 9, Q. Phú Nhuận, Tp. Hồ Chí Minh

    +84 909 44 67 68

    ttextrans@thanhtrungcorp.com.vn