4 địa phương có kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD
Hết tháng 4, có 4 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu từ 10 tỷ USD trở lên, theo thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan.
4 địa phương xuất khẩu chục tỷ đô tính hết tháng 4 gồm: TP.Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Thái Nguyên và Bình Dương.
So với cùng kỳ 2023, số lượng tỉnh, thành phố xuất khẩu chục tỷ đô tăng 2 địa phương là Thái Nguyên và Bình Dương.
Hết tháng 4, kim ngạch xuất khẩu của Thái Nguyên đạt 10,96 tỷ USD, tăng 17,87% (tương đương kim ngạch tăng thêm 1,66 tỷ USD) so với cùng kỳ 2023.
Trong khi đó, kim ngạch của Bình Dương đạt 10,7 tỷ USD, tăng 12,92% (tương đương kim ngạch tăng thêm hơn 1,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái.
Về quy mô kim ngạch, TPHCM vẫn duy trì là địa phương dẫn đầu cả nước về xuất khẩu với 14,78 tỷ USD, tăng 15,92% (tương đương kim ngạch tăng hơn 2 tỷ USD) so với cùng kỳ 2023.
Bắc Ninh tuy vẫn giữ vị trí thứ hai cả nước về xuất khẩu nhưng là địa phương duy nhất trong 4 tỉnh, thành xuất khẩu chục tỷ đô có kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
4 tháng qua, xuất khẩu của Bắc Ninh chỉ đạt 11,22 tỷ USD, giảm gần 700 triệu USD so với cùng kỳ 2023.
Ngoài 4 địa phương kể trên, còn nhiều tỉnh, thành phố đạt kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD như Hải Phòng, Bắc Giang, Đồng Nai…
Hết tháng 4, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 123,98 tỷ USD, tăng 15,1% (tương đương tăng 16,26 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 34,73 tỷ USD tăng 21,17%
Theo thống kê sơ bộ Tổng cục Hải quan vừa công bố, tháng 4, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 8,98 tỷ USD, qua đó nâng tổng kim ngạch trong 4 tháng đầu năm lên 34,73 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong 4 tháng qua tăng trưởng cao với mức tăng 21,17% so với cùng kỳ 2023 (tương đương kim ngạch tăng thêm hơn 6 tỷ USD).
Như vậy, Hoa Kỳ tiếp tục giữ vững vị trí là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. Hết tháng 4, riêng thị trường này chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Đến tháng 4 có 7 nhóm hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt kim ngạch 1 tỷ USD trở lên, tăng 1 nhóm so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhóm hàng tỷ đô mới là phương tiện vận tải và phụ tùng với kim ngạch đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 21,77% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm gần 181 triệu USD).
Các nhóm hàng tỷ đô khác gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; điện thoại và linh kiện; dệt may; gỗ và sản phẩm gỗ; giày dép.
Xuất khẩu gạo sang Philippines tăng 41%
4 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu hơn 3 triệu tấn gạo. Trong số này, thị trường Philippines nhập gần 1 nửa, tiếp tục là thị trường nhập khẩu gạo nhiều nhất của nước ta.
Hạt gạo của Việt Nam rất được ưa chuộng, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng Philippines. Thị trường này vẫn còn nhiều dự địa để các doanh nghiệp gạo nước ta tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, duy trì vị thế số 1 xuất khẩu gạo vào Philippines.
Từ đầu năm tới nay, xuất khẩu gạo nước ta tiếp tục tăng trưởng khả quan. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong quý I đạt hơn 2 triệu USD, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nổi bật là thị trường Philippines, chẳng những sản lượng tăng, mà giá trị cũng tăng 41%, với giá bình quân đạt ngưỡng 642 USD/tấn.
Thái Lan và Ấn Độ, 2 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới chiếm tỉ trọng lớn thị phần nhập khẩu gạo của Philippines. Thế nhưng hiện tại, Ấn Độ đang trong tình trạng cấm xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, trong khi Thái Lan chỉ cạnh tranh ở phân khúc gạo cấp cao. Đây là cơ hội tốt để gạo Việt Nam tăng trưởng mạnh tại thị trường tiềm năng này.
Gạo Việt Nam xuất khẩu vào Philippines năm nay sẽ vượt mức 4 triệu tấn. Việc chủ động thích ứng với phương thức mới của thị trường, vượt các rào cản xuất khẩu sẽ là giải pháp tốt nhất để doanh nghiệp giữ vững 80% thị phần tại thị trường nhập khẩu gạo lớn vùng Đông Nam Á.
Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn thu về hơn 500 triệu USD
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam trong tháng 4 đạt 183.361 tấn với trị giá hơn 80 triệu USD. Lũy kế trong 4 tháng đầu năm, mặt hàng này đã thu về hơn 510 triệu USD với hơn 1,1 triệu tấn, giảm nhẹ 3,5% về lượng nhưng tăng đến 13,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Xét về thị trường, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của sắn Việt Nam khi sản lượng và trị giá chiếm đến 91% của cả nước. Cụ thể trong 4 tháng, nước ta xuất sang Trung Quốc 1,054 triệu tấn sắn với trị giá hơn 470 triệu USD, tăng nhẹ 0,2% về lượng nhưng tăng 18% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu bình quân đạt 446 USD/tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết tháng 4, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 17,7 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm 1,74 tỷ USD).
Với kết quả trên, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 2 của Việt Nam (sau thị trường Hoa Kỳ).
Đáng chú ý, hết tháng 4 đã có 5 nhóm hàng xuất khẩu của nước ta sang quốc gia láng giềng này đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, tăng 3 nhóm so với cùng kỳ 2023.
3 nhóm hàng là máy ảnh, máy quay phim và linh kiện đạt 1,88 tỷ USD (tăng 102,8%); rau quả đạt 1,16 tỷ USD (tăng 44,6%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt hơn 1 tỷ USD (tăng 7%).
2 nhóm hàng tỷ đô còn lại là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 3,98 tỷ USD (tăng 23,5%); điện thoại và linh kiện đạt 3,47 tỷ USD (giảm 14%).
Như vậy, trong các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, điện thoại và linh kiện là nhóm hàng duy nhất bị sụt giảm kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cũng khiến điện thoại và linh kiện đánh mất vị trí nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Trung Quốc vào nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.
Theo Báo Công Thương.
THÔNG TIN LIÊN HỆ
VĂN PHÒNG CHÍNH
77 Đào Duy Anh, Phường 9, Q. Phú Nhuận, Tp. Hồ Chí Minh
+84 909 44 67 68
ttextrans@thanhtrungcorp.com.vn